
Đ/c Đỗ Trọng Hưng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy,
Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì buổi thảo luận tổ ngày 02/11/2018
Ngày 29/10/2018, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành phiên họp. Quốc hội thảo luận về
kết quả thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2018; dự toán ngân sách nhà nước
và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2019 và kế hoạch tài chính -
ngân sách nhà nước quốc gia 3 năm 2019 - 2021; phân bổ nguồn kinh phí còn lại
và chi thường xuyên chưa sử dụng hết năm 2017; đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch
đầu tư công trung hạn, tài chính quốc gia 5 năm giai đoạn 2016-2020. Trong quá
trình thảo luận đã có 44 đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến và tranh luận.
Bộ trưởng các Bộ: Giao thông Vận tải, Kế
hoạch và Đầu tư, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát biểu, làm rõ một
số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa có 01 ý kiến
phát biểu của đại biểu Mai Sỹ Diến, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh. Phiên thảo luận đã được Đài Truyền hình Việt
Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Truyền hình Quốc hội Việt Nam truyền hình, phát
thanh trực tiếp và các phương tiện thông tin đại chúng khác đưa tin để cử tri
và đồng bào cả nước theo dõi.
Từ ngày 30/10/2018 đến hết ngày
01/11/2018, Quốc hội Quốc tiến hành
chất vấn và trả lời chất vấn về kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội
về hoạt động giám sát chuyên đề, chất vấn tại kỳ họp từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ
họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị
Kim Ngân. Trong 3 ngày chất vấn và trả lời chất vấn được Đài Truyền hình Việt
Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Truyền hình Quốc hội Việt Nam truyền hình, phát
thanh trực tiếp và các phương tiện thông tin đại chúng khác đưa tin để cử tri
và đồng bào cả nước theo dõi.
Ngày 30/10/2018,
Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc
hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Quốc hội đã nghe Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ
Trương Hòa Bình trình bày Báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về
hoạt động giám sát chuyên đề, chất vấn tại kỳ họp từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ
họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình
trình bày Báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám
sát chuyên đề, chất vấn tại kỳ họp từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4, Quốc
hội khóa XIV; Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí trình bày
Báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên
đề, chất vấn tại kỳ họp từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV;
Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày
Báo cáo tổng hợp nội dung thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc
hội về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên
đề, chất vấn tại kỳ họp từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa
XIV; Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường
vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết
kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV.
Từ
10 giờ 05 phút, Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn. Trong ngày chất vấn và trả lời chất vấn, đã
có 36 lượt đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi chất vấn và 23 lượt đại biểu tranh
luận đối với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân
dân tối cao, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, 14 Bộ trưởng, Trưởng ngành,
gồm: Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Tổng Thanh tra Chính phủ và Bộ
trưởng các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Công an, Công thương, Kế
hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nội vụ, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Y tế, Giáo
dục và Đào tạo, Tư pháp, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Đoàn ĐBQH
tỉnh Thanh Hóa có 5 ý kiến phát biểu của các đại biểu: Ông Mai Sỹ Diến, Tỉnh ủy
viên, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Bà Cao Thị Xuân, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc
của Quốc Hội; Bà Cầm Thị Mẫn, đại biểu Quốc hội chuyên trách; Bà Phạm Thị Thanh
Thủy, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh và ông Lê Văn Sỹ, Giám đốc
Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Ngày 31/10/2018, Quốc
hội tiếp tục tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn dưới sự chủ trì của Chủ
tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Trong ngày thứ 2 về chất vấn và trả lời chất
vấn, đã có 52 lượt đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi chất vấn và 32 lượt đại biểu
tranh luận đối với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát
nhân dân tối cao, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, 16 Bộ trưởng, Trưởng
ngành gồm: Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Tổng Thanh tra Chính phủ
và Bộ trưởng các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Công an, Công thương, Kế hoạch
và Đầu tư, Tài chính, Nội vụ, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Y tế, Giáo dục và
Đào tạo, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Lao động, Thương binh và Xã hội,
Giao thông vận tải, Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông.
Ngày 01/11/2018, Quốc
hội tiếp tục tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn dưới sự chủ trì của Chủ
tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Trong ngày thứ 3 về chất vấn và trả lời
chất vấn, đã có 46 lượt đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi chất vấn và 25 lượt đại
biểu tranh luận đối với Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình,
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng
Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước; 17 Bộ trưởng, Trưởng
ngành gồm Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Tổng Thanh tra Chính phủ,
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ trưởng các Bộ: Công an, Tài nguyên
và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Nội vụ, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tư
pháp, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Lao động,
Thương binh và Xã hội, Giao thông vận tải, Khoa học và Công nghệ, Thông tin và
Truyền thông, Xây dựng. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu làm
rõ thêm một số nội dung thuộc trách nhiệm của Chính phủ và trả lời một số chất
vấn của đại biểu Quốc hội. Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa có 2 ý kiến chất vấn và
tranh luận của các đại biểu: Ông Mai Sỹ
Diến, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Ông Phạm Trí Thức, Phó Chủ nhiệm
Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. Đại biểu Cao Thị Xuân, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân
tộc của Quốc Hội đăng ký nhưng không còn thời gian để phát biểu.
Ngày
02/11/2018, Quốc hội tiếp tục làm việc theo chương trình dưới sự chủ trì của
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.
Buổi
sáng, Phó Chủ tịch
Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành. Quốc hội đã nghe: Tổng Bí
thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trình bày Tờ trình về việc đề nghị Quốc hội
phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)
cùng các văn kiện liên quan. Tờ trình của Chủ tịch nước nêu rõ: việc tham gia
và sớm phê chuẩn Hiệp định CPTPP giúp Việt Nam thể hiện cam kết mạnh mẽ đối với
đổi mới và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; khẳng định vai trò và vị thế địa
- chính trị quan trọng của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á cũng như châu Á -
Thái Bình Dương, thực sự nâng cao vị thế của nước ta trong khối ASEAN, trong
khu vực cũng như trên trường quốc tế. Đặc biệt, trong bối cảnh tình hình chính
trị - an ninh thế giới và khu vực đang thay đổi nhanh chóng, diễn biến phức tạp,
khó lường, tham gia CPTPP vừa giúp Việt Nam có điều kiện nâng cao nội lực để ứng
phó, vừa giúp củng cố vị thế để thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ,
đa phương hóa, đa dạng hóa đi đôi với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh;
Nghe Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, thừa ủy
quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo thuyết minh Hiệp định Đối tác
Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan.
Đánh giá tác động của Hiệp định CPTPP và các văn kiện liên quan đến Việt Nam,
báo cáo thuyết minh của Chính phủ nêu rõ: Về chính trị, an ninh quốc gia và chiến
lược đối ngoại, các nước thành viên CPTPP đều khẳng định tôn trọng thể chế
chính trị và an ninh quốc gia, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ,
không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Tham gia CPTPP với tư cách là một
trong những thành viên đầu tiên sẽ thể hiện mạnh mẽ chủ trương chủ động hội nhập
quốc tế của Đảng, Nhà nước ta, khẳng định vai trò và vị thế địa - chính trị
quan trọng của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á cũng như châu Á - Thái Bình
Dương, thực sự nâng cao vị thế của nước ta trong khối ASEAN, trong khu vực cũng
như trên trường quốc tế. Báo cáo thuyết minh cũng chỉ ra các thách thức về kinh
tế; thách thức về hoàn thiện khuôn khổ pháp luật, thể chế; thách thức về xã hội;
thách thức về thu ngân sách; thách thức trong lĩnh vực lao động; thách thức
trong lĩnh vực an toàn, an ninh thông tin của nước ta khi gia nhập Hiệp định
CPTPP. Nghe Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày
Báo cáo thẩm tra về việc phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên
Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan.
Sau đó, Quốc hội thảo luận ở tổ về việc
phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)
cùng các văn kiện liên quan. Tại buổi thảo luận, Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa có 03
ý kiến phát biểu của các đại biểu: Ông Uông Chu Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng,
Phó chủ tịch Quốc hội; Ông Đào Ngọc Dung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ
Lao động Thương binh và Xã hội; Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn
đề xã hội của Quốc hội.
Buổi chiều, dưới sự điều hành của Phó Chủ
tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa
đổi, bổ sung các luật có quy định liên quan đến quy hoạch. Trong quá trình thảo
luận, đã có 18 đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến và 01 đại biểu phát biểu
tranh luận.
Sau đó, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn
Chí Dũng thay mặt cơ quan trình báo cáo, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội
nêu. Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị
Chính phủ tiếp thu, giải trình, làm rõ thêm các ý kiến của các đại biểu Quốc hội,
đặc biệt là về các nội dung còn có nhiều ý kiến khác nhau liên quan đến việc sửa
đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng và Luật Đất đai.
Quốc hội hoàn thành chương trình làm việc
tuần thứ hai.
Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh