
Kính thưa: Chủ tọa phiên họp!
Kính thưa: Quốc hội!
Tôi cơ bản thống nhất với Báo cáo thẩm tra của UBPL
và dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ban hành văn bản quy phạm
pháp luật và xin tham gia một số nội dung sau:
Thứ nhất, về
phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.
Tôi thống nhất cao việc Ban soạn thảo bổ sung quy
định phản biện xã hội của MTTQ vào quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy
phạm pháp luật (tại Điều 6 dự thảo Luật). Bởi vì, hoạt động phản biện xã hội
của MTTQ Việt Nam được quy định tại Chương VI của Luật MTTQ Việt Nam năm 2015
và Nghị quyết liên tịch giữa UBTVQH, Chính phủ và Đoàn chủ tịch Ủy ban TW MTTQ
Việt Nam. Tuy nhiên, trên thực tế Luật MTTQ Việt Nam là luật về tổ chức và hoạt
động nên chưa thể quy định một cách đầy đủ về quy trình, thủ tục của phản biện
xã hội. Nghị quyết 403 của UBTVQH, Chính phủ và Đoàn chủ tịch Ủy ban TW MTTQ
Việt Nam về quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của MTTQ
Việt Nam cũng mới chỉ làm rõ thêm các hình thức phản biện xã hội, còn quy
trình, thủ tục thì chưa rõ.
Bên cạnh đó, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp
luật năm 2015 không có quy định nào về quy trình phản biện xã hội của MTTQ Việt
Nam đối với các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Điều này làm ảnh hưởng lớn
đến việc thực hiện quy định của Hiến pháp về quyền và trách nhiệm phản biện xã
hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Với các quy định hiện
hành của Luật, các cơ quan soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật có
thể bỏ qua việc lấy ý kiến của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt
trận, như trong thực tế những năm qua. Do đó, việc quy định về phản biện xã hội
của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong quy trình xây dựng, ban
hành văn bản quy phạm pháp luật là cần thiết, đảm bảo thống nhất với Luật MTTQ
Việt Nam, phù hợp với phạm vi sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ban hành
văn bản quy phạm pháp luật.
Thứ hai, về việc lập Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh
Quy trình lập Chương trình xây
dựng luật, pháp lệnh mới được sửa đổi theo Luật năm 2015, tuy nhiên việc lập
Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh thời gian qua vẫn còn tồn tại, hạn chế
như tình trạng lùi, rút dự án còn diễn ra khá phổ biến; tính dự báo của Chương
trình không cao, tính kế thừa cho năm tiếp theo thấp, thường xuyên bổ sung dự
án mới vào Chương trình. Nguyên nhân cơ bản của tồn tại, hạn chế này là do các
dự án đưa vào Chương trình chưa có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Nội dung chính sách
được đề xuất trong từng dự án chuẩn bị sơ lược chủ yếu (cốt) cho đủ thủ tục để
đưa được tên dự án vào Chương trình. Quá trình xem xét, cho ý kiến về đề nghị
cơ bản cũng chỉ xem xét danh mục các đề xuất mà không xem xét, thảo luận, quyết
định về các chính sách, nguồn lực thực hiện cụ thể cũng như đánh giá sơ bộ tác
động của chính sách khi đề xuất đưa vào luật. Điều này dẫn đến khi soạn thảo
nhiều chính sách được xác định trước đó không còn phù hợp, phải thay đổi, hủy
bỏ hoặc không đầy đủ, toàn diện phải bổ sung làm kéo dài thời gian soạn thảo;
chuyển từ sửa đổi, bổ sung một số điều thành sửa đổi toàn diện, từ sửa
một số luật thành sửa nhiều luật,… do vậy không kịp tiến độ, phải lùi, rút dự
án ra khỏi Chương trình.
Luật hiện hành đã bỏ Chương
trình xây dựng luật, pháp lệnh cả nhiệm kỳ thành xây dựng chương trình hàng
năm. Nay nếu chúng ta lại thay đổi từ hằng năm sang kỳ họp thì tính chủ động
trong bố trí chương trình làm việc của Quốc hội sẽ bị giảm đi rất nhiều và
chúng ta luôn luôn ở thế thụ động, mất tính chủ động.
Tuy nhiên, cần xem
xét phương án quy định trong hồ sơ đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh phải có dự
thảo luật, pháp lệnh thể hiện theo đúng nội dung chính sách được đề xuất thay
cho đề cương dự thảo văn bản như hiện nay. Thực hiện theo cách này sẽ buộc cơ
quan soạn thảo phải đầu tư nhiều thời gian, công sức, vừa chuẩn bị chính sách,
đánh giá tác động, vừa phải thể hiện các chính sách thành dự thảo điều luật cụ
thể... trong khi ưu điểm cơ bản của Luật hiện hành là tách bạch ra 2 giai đoạn:
giai đoạn đề xuất chính sách và một giai đoạn là soạn thảo chính sách thành
luật và thông qua luật. Nếu ngay từ khi đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh mà
chúng ta yêu cầu có dự thảo luật cũng phải cân nhắc, nếu yêu cầu soạn thảo ngay
tại thời điểm chính sách chưa có thì chắc chắn là sẽ lãng phí nguồn lực nếu
chưa đưa được vào Chương trình xây dựng pháp luật.
Vì vậy, để bảo đảm tính chủ
động của Quốc hội trong kế hoạch lập pháp thì trước mắt vẫn nên giữ như hiện
nay. Để nâng cao chất lượng các dự án luật, hạn chế tình trạng lùi, rút, điều
chỉnh Chương trình như thời gian qua, đề nghị các cơ quan thực hiện nghiêm các
quy định của Luật hiện hành về thời hạn, hồ sơ, nâng cao trách nhiệm, bảo đảm
tiến độ xây dựng các dự án luật khi được đưa vào Chương trình.
Thứ ba, về việc lấy ý kiến Nhân dân
Luật hiện hành quy
định trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, cơ quan, tổ chức chủ
trì soạn thảo và cơ quan, tổ chức có liên quan có trách nhiệm tạo điều kiện để
các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia góp ý kiến về đề nghị xây dựng văn bản
quy phạm pháp luật, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; tổ chức lấy ý kiến của
đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản quy phạm pháp luật và đối với
đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh không do Chính phủ trình thì cơ quan, tổ chức,
đại biểu Quốc hội đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh còn có trách nhiệm lấy ý
kiến của Nhân dân. Tuy nhiên, việc lấy ý kiến Nhân dân vừa
qua chưa bao phủ hết đối tượng điều chỉnh của luật, quy mô, phạm vi còn hẹp,
hoặc phương pháp, hình thức chưa bảo đảm chất lượng tham vấn ý kiến. Hoặc quy
trình lấy ý kiến Nhân dân của mỗi dự án luật được thực hiện theo các phương
thức khác nhau; kết quả cũng khó được đo
lường. Việc lấy ý kiến đối với đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh được quy
định cụ thể tại Điều 36 và trong các báo cáo, tờ trình của Chính phủ khi trình
dự án luật đều nêu các bộ, ngành khi chủ trì xây dựng đề án đã tổ chức việc
công khai thông tin trên cổng điện tử, lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân. Tờ
trình chỉ nêu ý kiến các, bộ, ngành, hầu hết không có tổng kết ý kiến đóng góp trong
nhân dân, hình thức đăng trên Cổng thông tin điện tử thực tế kết quả như thế
nào, có thực sự lấy được ý kiến rộng rãi trong nhân dân hay không? Để từ đó
chúng ta cũng rút kinh nghiệm việc triển khai lấy ý kiến nhân dân và lấy ý kiến
của đối tượng tác động phải có một giải pháp mới để thực hiện thực chất hơn.
Vì vậy, trong lần
sửa đổi này cần phải làm
rõ hơn quy trình lấy ý kiến Nhân dân và các vấn đề: Về đối tượng lấy ý kiến; Phạm vi, quy mô, nội dung lấy ý kiến; Phương
pháp thực hiện trong việc lấy ý kiến Nhân dân trong luật.
Tôi xin hết, xin
cảm ơn Quốc hội