
Tôi thống với
Tờ trình và báo cáo thẩm tra trước Quốc hội về sự cần thiết tiếp tục ban hành
chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp với 2 lý do sau:
1. Về sự cần thiết
Trong quá
trình thực hiện Nghị quyết miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp, là thực
hiện chủ trương của Đảng, cơ sở pháp luật của nhà nước về nông nghiệp,
nông dân, nông thôn, được đông đảo các tổ chức, cá nhân đồng tình;
tôi thấy đây chính là một chính sách khuyến nông mà nguồn kinh phí hỗ trợ cho
tổ chức, cá nhân theo đối tượng quy định là kịp thời, đầy đủ, không thất thoát,
không mất cán bộ do nhũng nhiễu, bớt xén tiền hỗ trợ; người dân thì rất tin
tưởng, phấn khởi với chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước; chính sách
đã góp phần cải thiện, nâng cao đời sống của nông dân
và đây là một việc làm của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị đang thực
hiện đúng ý nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với nông nghiệp, nông dân.
Tuy nhiên, trong báo cáo tổng hợp ý kiến, có 57 bộ,
ngành và các tỉnh, thành phố nhất trí việc tiếp tục ban hành nghị quyết, vậy các bộ
ngành và các tỉnh còn lại có nhất trí hay không nhất trí, xin đề nghị CP
bổ sung đầy đủ thông tin trên.
2. Về tác động của Nghị quyết đến đối tượng thụ hưởng
Tôi thấy Nghị
quyết, chính sách ban hành đã khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư vào nông
nghiệp, nông thôn: Đây là những mô hình phát triển nông nghiệp có hiệu quả theo
mục đích, yêu cầu của những chính sách đã ban hành, nhưng kết quả này còn rất
khiêm tốn; tuy chính phủ cũng rất quyết tâm, các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố
cũng rất cố gắng, nhưng các doanh nghiệp chưa thực sự thiết tha vì tính hiệu
quả của việc đầu tư vào nông nghiệp là không cao, có nhiều rủi ro và những doanh
nghiệp đã đầu tư vào nông nghiệp thì mới thấm thía điều vất vả của việc làm nông
nghiệp, kể cả việc hối tiếc vì đã trót đầu tư vào nông nghiệp. Một việc rất
thực tế là: số doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp chỉ chiếm khoảng
8% tổng số doanh nghiệp trên cả nước, trong chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ;
Một thực tế nữa
là: đất nông nghiệp đang bỏ hoang hay sản xuất không hiệu quả, sản xuất cầm
chừng nhỏ lẻ, manh mún theo truyền thống, khách quan của một số vùng, miền do
điều kiện tự nhiên còn gặp nhiều khó khăn hoặc một số tổ chức, cá nhân chờ đợi
một sự kỳ diệu mới do việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp trong
thực tế còn khá nhiều: Tuy nhiên, trong báo cáo của chính phủ đã không đánh
giá, báo cáo với Quốc hội hiện nay có bao nhiêu diện tích bỏ hoang, bao nhiêu diện
tích đất nông nghiệp kém hiệu quả, có bao nhiêu doanh nghiệp đầu tư vào nông
nghiệp bị thua lỗ, có bao nhiêu diện tích đất nông nghiệp bị sử dụng sai mục
đích phải thu hồi và tỉ lệ thành công của các doanh nghiệp đang đầu tư vào nông
nghiệp là bao nhiêu: Có đánh giá chính xác thì mới có cơ sở đúng đắn cho lĩnh
vực một nắng, hai sương đầy rủi ro và hiệu quả chưa cao này.
Để phát huy
hiệu quả Nghị quyết về tiếp tục thực hiện miễn giảm thuế sử dụng đất nông
nghiệp tôi đề nghị:
1. Chính phủ
tiếp tục ban hành Chính sách thuế đối với doanh nghiệp đầu tư vào nông
nghiệp nông thôn để thực sự thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông
nghiệp: cần miễn giảm các loại thuế, kể cả thuế thu nhập doanh
nghiệp trong quá trình tiêu thụ sản phẩm được chế biến, liên kết chế biến sản
phẩm nông nghiệp đã được doanh nghiệp đầu tư vào nông
nghiệp mà có được.
2. Các
đối tượng được Miễn thuế theo Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp
đã trùng với đối tượng được miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp
theo dự thảo Nghị quyết của Quốc hội. Tôi đề nghị Chính phủ tiếp tục ban hành chính
sách hỗ trợ các đối tượng trùng với đối tượng nêu
trên, ví dụ: Tổ chức, cá nhân sử dụng đất đồi núi trọc dùng vào sản xuất nông nghiệp, lâm
nghiệp, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng.
Ðất trồng cây lâu năm chuyển sang
trồng lại mới và đất trồng cây hàng năm chuyển sang trồng cây lâu năm, cây ăn
qủa.
3. Các hộ gia đình di chuyển đến vùng
kinh tế mới được giao đất sản xuất nông, lâm nghiệp phải có chính sách sát thực tế cho
phát triển kinh tế để đồng bào yên tâm thực hiện.
Ví dụ: đồng bào Vùng ảnh hưởng của
Hồ cửa đạt, tỉnh Thanh Hóa đi vùng Kinh tế mới xã
Ialốp, huyện Easúp, tỉnh Đắk Lắk, Đoàn ĐBQH tỉnh
Thanh Hóa, tỉnh Bến Tre đã vào TXCT tại đây, cử tri kiến nghị
rất nhiều vấn đề, trong đó có kiến nghị về chính
sách phát triển nông,
lâm nghiệp vùng
này có vô vàn khó khăn, những kiến nghị ấy đã vượt khả năng của tỉnh Đắk
Lắk. Tôi đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần khảo sát, đánh giá để có chính sách đúng đắn, kịp thời đối với vùng này và các vùng tương tự.
Tôi xin hết ý kiến, xin cảm
ơn Quốc hội.